CÂY SẤU GHÉP GIỐNG
-
Liên hệ
-
Số lượng:
Kỹ thuật trồng sấu ghép
1. Đặc điểm sinh thái và phân bố tự nhiên
Sấu là loài cây thân gỗ lớn cao 25 -30m đường kính ngang ngực đạt từ 80 – 100cm, gốc có bạnh vè sần sùi, vỏ màu xám đen bong mảng lớn, cành non phủ lông màu nâu, lưng hoặc nách lá phủ lông màu vàng nâu.
Lá kép lông chim một lần lẻ, lá chét mọc cách, mặt trên xanh và bóng, có vị chua thanh, cây thường xanh .
Hoa lưỡng tính màu xanh vàng có 5 đài 10 nhị.
Quả hạch hình cầu bẹt lúc non có màu xanh khi chín ngả sang màu vàng, thịt quả không róc.
Hạt cứng hoá gỗ bề mặt hạt sần sùi .
Ra hoa vào tháng 4 – 5 quả chín vào tháng 8 – 9.
Sấu mọc tự nhiên trong rừng hỗn giao lá rộng thường xanh vùng đồi núi và trung du các tỉnh miền Bắc và miền Trung, là cây ưa sáng, hay gặp ở tầng cây cao. Sấu ưa đất có tầng đất dày, ẩm mát nhưng thoát nước tốt.
Gỗ Sấu có màu nhạt, dẻo, nặng, tỷ trọng 0,53 thớ mịn vân đẹp, ít mối mọt được dùng nhiều vào đóng đồ gia dụng, trong công nghệ làm ván ép, ván lạng.
Giá trị kinh tế lớn nhất của cây Sấu là quả. Quả Sấu có vị chua thanh dùng làm gia vị, nước uống giải khát, chế biến bánh kẹo ô mai. Trung bình mỗi cây Sấu trưởng thành ( 8-10 tuổi ) cho từ 100 -200 kg quả/năm, hoa và quả Sấu còn được dùng làm thuốc chữa sâu răng.
2. Hướng dẫn kỹ thuật ghép sấu
2.1. Chuẩn bị dụng cụ ghép:
- Dao ghép: dao có bản mỏng, sắc nhọn, sạch, tốt nhất là làm từ thép trắng.
- Kéo cắt cành: sắc, bén, sạch.
- Đá mài: đá mài có thớ mịn để khi mài đảm bảo lưỡi dao có độ mỏng cao, không có vết sước, khi cắt gốc và cành ghép cho mặt cắt phẳng mịn và chính xác.
- Băng nilông chuyên dụng.
2.2. Tạo gốc ghép
- Đóng bầu: Cần tính toán đến kích cỡ túi bầu sao cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cây con cho tới thời điểm cây ghép đạt tiêu chuẩn đem trồng và thuận tiện nhất cho vận chuyển và trồng. Với cây Sấu chọn bầu 16 x18cm là hợp lý.
Hỗn hợp ruột bầu: gồm 84% đất mặt vườn ươm hoặc đất dưới rừng, 15% phân chuồng hoai, 1% lân, trộn kỹ rồi đóng bầu xếp thành luống.
- Xử lý hạt và gieo ươm: Ngâm hạt vào nước sôi khoảng 2 – 3 giờ rồi vớt ra đem ủ vào cát ẩm, thường xuyên tưới nước giữ ẩm. Sau 7 – 10 ngày hạt bắt đầu nảy mầm, đem cấy vào bầu.
- Chăm sóc cây con: Thường xuyên tưới nước giữ ẩm, phá váng mặt bầu. Sau khoảng 12 – 18 tháng cây con có thể dùng làm gốc ghép.
- Tiêu chuẩn gốc ghép: cây được gieo ươm làm gốc ghép sinh trưởng phát triển tốt, đạt D00 ≥0,8cm hay D0,3≥0,6cm, cây thẳng, sinh trưởng phát triển tốt, thường phải ươm nuôi từ 12-18 tháng.
2.3. Chọn cây mẹ:
Để chọn cây mẹ chúng ta phải điều tra toàn bộ loài cây trong khu vực hoặc các vùng lân cận. Cây mẹ được chọn là cây sinh trưởng phát triển tốt, hình thái tán đều, đã ra hoa kết quả ổn định được 3-5 năm trở lên; chu kỳ sai quả hàng năm, quả to, ngon, chín đều, không sâu bệnh…
2.4. Chọn cành ghép
Đến thời vụ ghép, chọn những cành bánh tẻ ở khoảng giữa của tán lá, nơi thoáng gió, ánh sáng đầy đủ, không sâu bệnh, cành ít nốt sần sùi, nhất là đoạn dự định cắt ghép. Sau khi đã chọn được cành ghép ta dùng dao hoặc kéo sắc cắt cành.
2.5. Chọn thời vụ ghép
Đối với Sấu thời vụ ghép tốt nhất là đầu mùa sinh trưởng, trước khi cây ra hoa vào tháng 1, 2. Ngoài ra có thể ghép vào tháng 8 – 9 khi cây chuẩn bị thu hái quả hoặc vừa thu hái xong, chưa ra lá non.
2.6. Phương pháp ghép:
Có nhiều phương pháp ghép nhưng với Sấu thì hiệu quả hơn cả là phương pháp ghép nêm và ghép áp.
a.) Phương pháp ghép nêm:
Dùng dao ghép chẻ ngay giữa gốc ghép, cành ghép được cắt vát nhọn hai mặt, đặt cành ghép vào chỗ chẻ của gốc ghép sao cho dải tượng tầng (là lớp nằm giữa vỏ và gỗ) của gốc ghép và cành ghép trùng khít nhau. Dùng dây nilông chuyên dụng buộc chặt và kín vết ghép, sau đó dải nilông quấn 1 lớp bao kín toàn bộ cành ghép (để tránh sự thoát hơi nước cũng như tránh bị ôxy hoá các vết cắt trên cành ghép khi gặp phải nước mưa hay sương). Trường hợp gốc ghép lớn có thể đặt 2 cành ghép trên một gốc ghép.
b.) Ghép áp:
Cắt vát 2 bên của cành ghép và gốc ghép, độ sâu vết cắt ở gốc ghép không quá 1/ 3 đường kính thân cây, ép cành ghép và gốc ghép sao cho tối thiểu một bên của dải tượng tầng của cành ghép và gốc ghép trùng khít với nhau, sau đó dùng băng nilông buộc chặt kín toàn bộ vết ghép, quấn một lượt nilông lên phần cành ghép để tránh hiện tượng mất nước ở cành ghép.
Chú ý:Sau khi ghép không được tưới quá ẩm ngay, không được dùng vòi phun với áp lực mạnh hoặc dùng tay lung lay cành ghép. Cành ghép sau 10 – 15 ngày sẽ bắt đầu nảy mầm, giai đoạn này cần chăm sóc cẩn thận.
2.7. Chăm sóc cây sau khi ghép:
Cây Sấu ghép được 4 tháng tuổi |
Cây ghép sau khi đã nảy mầm, thời gian đầu lá còn non nên thường xuyên tưới nước ẩm, dùng ôroa phun nhẹ, không dùng máy bơm phun trực tiếp lên cành ghép, tránh những va chạm vì sự liên kết ở mối ghép còn yếu, cây dễ nhiễm bệnh.
Sau khi nảy mầm khoảng 1 tháng có thể tưới phân và chăm sóc bình thường.
Cây ghép sau 6-12 tháng có thể đem trồng được.
3. Trồng và chăm sóc rừng trồng cây sấu ghép.
3.1. Trồng cây:
- Phương thức trồng: Cây Sấu ghép có thể trồng thuần loài hoặc trồng hỗn giao, với cự ly trồng là 6 x 6 m hoặc 6 x 8m, nơi đất có tầng dầy và ẩm.
- Thời vụ trồng: Thời vụ trồng Sấu ghép trùng với thời vụ trồng rừng của mỗi địa phương.
- Đào hố:Đào hố với kích thước: chiều dài x chiều rộng x chiều sâu là: 60 x 60 x 60cm.
- Bón phân:Bón cho mỗi hố 5 kg phân chuồng hoai và 0,2 kg lân rồi trộn đều với 1/3 lượng đất trong hố. Chuẩn bị trước khi trồng 15 ngày.
- Kỹ thuật trồng:Dùng dao sắc rạch bỏ túi bầu nilông, đặt cây ở tư thế thẳng đứng và lấp đất (trước khi trồng nên lót từ 2 – 5cm đất sạch mới đặt cây trồng tránh hiện tượng rễ non vừa ra gặp phân bị sót làm chết cây), vun đất đầy gốc và nén chặt. Dùng 3 cọc (hoặc que) thẳng chống cho cây được giữ vững, tránh hiện tượng bị gió hoặc gia súc, gia cầm làm đổ, gãy. Sau khi trồng tưới đẫm nước vào gốc cây để ổn định cây trồng. Nếu gặp thời tiết khô, nắng cần phải làm giàn che cho cây.
3.2. Chăm sóc rừng trồng
- Định kỳ phát cây bụi, dây leo giúp cho cây không bị dây leo thít nghẹt và tạo không gian dinh dưỡng thuận lợi cho cây sinh trưởng phát triển tốt.
- Sau khi phát dọn, tiến hành vun xới xung quanh gốc với đường kính 0,8 – 1m giúp cho đất xung quanh gốc cây được tơi xốp, thoáng khí và đặc biệt là không bị các cây bụi, cỏ cạnh tranh chất dinh dưỡng. Mỗi năm vun xới từ 2 – 3 lần.
- Hàng năm sau khi phát dọn vun xới xung quanh gốc cây, tiến hành bón phân. Tuỳ theo sự phát triển của cây mà ta bón liều lượng khác nhau, khi bón rạch thành rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán cây, cho phân rải đều xuống rãnh, sau đó lấp kín phân và tưới nước. Trong 2- 3 năm đầu, mỗi năm bón 2 – 3 lần, mỗi lần 0,2 – 0,5 kg NPK. Khi cây lớn lượng phân bón tăng dần.
Hiện nay tại Trung tâm cây giống Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội cung cấp loại giống cây này.
Chúng tôi chuyển giống cây đến các tỉnh và địa phương trên toàn quốc.Chắc chắn sẽ làm hài lòng quý khách.
Phương thức giao cây giống:
- Giao tại vườn ươm
- Giao tại văn phòng
- Giao hàng tại các bến xe
- Giao hàng tại nơi sản xuất