CÂY HỒNG XIÊM CHOAI (SAPOCHE)
-
Liên hệ
-
Số lượng:
Ở Hà Nội, người ta luôn đề cao loại hồng xiêm Xuân Đỉnh. Hồng xiêm Xuân Đỉnh vừa ngọt lại vừa thơm, quả to và cây rất sai. Thế nhưng, quá trình đô thị hóa đã biến những vườn hồng xiêm ở đây thành phố cả, không còn đất cho cây trái nữa.
Cây hồng xiêm (mà bà con phía Nam gọi là cây Sabôchê) là một loại cây ăn quả nhiệt đới có nguồn gốc từ Mexico. Người Pháp đã đưa nó vào trồng ở Việt Nam từ lâu. Hiện nay ở ta, chỗ nào cũng có hồng xiêm. Tuy nhiên, đa phần bà con chỉ trồng trong vườn hoặc trong nhà, người ít thì vài cây, người nhiều thì vài chục cây.
Hiếm có đâu như ở đồng bằng sông Cửu Long, người ta trồng hàng hec ta, mỗi nhà có tới vài trăm cây hồng xiêm. Hồng xiêm có thể trồng trên mọi loại đất, từ đất gò đồi khô hạn tới các loại đất vườn, đất ruộng, đất bị chua, mặn,… Khả năng thích ứng của nó rộng. Nếu được chăm bón đầy đủ, hồng xiêm cho năng suất rất cao (có thể có đạt năng suất từ 30 - 40 tấn quả/ha). Giá của chúng lại chưa bao giờ rẻ. Vậy, sao ta chưa trồng hồng xiêm?
Hồng xiêm có nhiều giống. Mỗi vùng lại thích ứng với một giống riêng. Vì vậy, bà con cần chọn giống cho phù hợp. Ở phía Bắc có giống hồng xiêm Xuân Đỉnh, hồng xiêm Thanh Hà, hồng xiêm quả nhót, quả tròn… Còn ở phía Nam thì có hồng xiêm quả dài, quả tròn và một số giống hồng xiêm nhập nội từ các nước Đông Nam Á.
Khi trồng hồng xiêm, bà con lưu ý phải đào hố rộng và ủ nhiều phân vào trước. Mỗi hố phải cho ít nhất 20 - 30kg phân chuồng hoai mục, 1 - 2kg super lân và 0,5 cân sunfat kali. Vì tán cây rộng, nên lúc trồng nhiều ta phải lưu ý để hàng cách hàng khoảng 7 - 10m và cây cách cây từ 6 - 8m.
Ở miền Bắc, ta nên trồng vào vụ xuân, khoảng tháng 2, tháng 3, lúc này thời tiết và ẩm độ đều tốt. Còn ở phía Nam, ta nên trồng hồng xiêm vào mùa mưa, khoảng tháng 4, tháng 5. Sau khi trồng phải đảm bảo đủ ẩm cho cây. Nếu gặp hạn, ta phải chủ động tưới cho cây. Nếu gặp mưa to kéo dài thì bà con phải lo tiêu nước, tránh để cây bị ngập úng.
Hồng xiêm có thể trồng từ hạt hoặc có thể từ cây ghép hay cây chiết. Tuy nhiên, yếu tố quyết định là giống phải có nguồn gốc rõ ràng. Ta chỉ chọn giống tốt để trồng, tránh mua giống ở các cơ sở có địa chỉ không rõ ràng.
Hồng xiêm là loại cây ít bị sâu bệnh phá hoại. Tuy nhiên, nó cũng bị một số loại sâu tấn công như: Sâu đục cành, sâu đục quả, ruồi hại quả, rệp sáp hại cây, ngài hại lá và một số bệnh như: Bệnh đốm trên than, bệnh đốm lá… Ta còn phải lưu ý chống đổ cho hồng xiêm vì rễ của chúng ăn nông. Nếu làm tốt các khâu trên, ta sẽ có được những vườn hồng xiêm tươi tốt, đầy quả. Mong mọi nhà đều có cây hồng xiêm.